Bản chất của sự Hối cải Ăn_năn

Có ba yếu tố liên quan đến sự hối cải thật:

Chạm đến Trí tuệ

Một dụ ngôn của Chúa Giê-xu được chép trong Phúc âm Matthew 21:29 kể chuyện người cha bảo người con thứ nhất ra vườn làm việc, người này thưa vâng nhưng không đi; "đoạn, người cha đi đến đứa thứ hai, cũng bảo như vậy, người con này thưa rằng: Tôi không muốn đi. Nhưng sau ăn năn, rồi đi". Sự hối cải ở đây biểu thị một sự thay đổi trong tâm trí, suy nghĩ, mục đích, quan niệm của một người liên quan đến một vấn đề. Sự thay đổi này được minh họa sống động qua hành động của Người con trai hoang đàng, cũng như thái độ của người thu thuế trong dụ ngôn Người Pharisee và Người Thu thuế.[20]

Chạm đến Cảm xúc

2Cor. 7: 9,10 chép "Nay tôi lại mừng, không phải mừng về sự anh em đã phải buồn rầu, song mừng về sự buồn rầu làm cho anh em sanh lòng hối cải. Thật, anh em đã buồn rầu theo ý Thiên Chúa... Vì sự buồn rầu theo ý Thiên Chúa sanh ra sự hối cải, và sự hối cải dẫn đến sự rỗi linh hồn". Trong Hi văn từ hối cải ở đây ngụ ý một sự quan tâm kéo dài dành cho một cá nhân, một sự chăm sóc ân cần và bền bỉ. Điều này có nghĩa là một người có lòng ăn năn không chỉ thực sự hối tiếc về tội lỗi trong quá khứ mà còn có niềm hi vọng đầy trọn trong ân điển của Thiên Chúa để có thể được chữa lành và hòa giải cách trọn vẹn với chính mình, với người khác, và nhất là với Thiên Chúa.

Tương tự, từ hối cải trong tiếng Hebrew diễn tả một hành động dứt khoát, than thở hoặc khóc lóc. Vì vậy, người thu thuế khi bộc lộ nỗi thống khổ của mình đã đấm ngực mà cầu nguyện với Chúa, "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót tôi, vì tôi là kẻ có tội!"[21]

Chạm đến Ý chí

Một trong những thuật từ trong tiếng Hebrew miêu tả sự hối cải mang ý nghĩa "quay trở lại". Người con trai hoang đàng thốt lên, "Ta sẽ đứng dậy, trở về cùng cha...rồi nó bèn đứng dậy."[22]